Đánh bóng sàn bê tông sẽ giúp bề mặt sàn trở nên sáng bóng, bằng phẳng và tăng độ bền, tuổi thọ. Vậy việc đánh bóng sàn bê tông có thể tự thực hiện tại nhà không? Quy trình đánh bóng sàn bê tông như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết sau đây nhé!
1. Đánh bóng sàn bê tông là gì?
Đánh bóng sàn bê tông là một phương pháp xử lý bề mặt, giúp sàn nhà trở nên nhẵn mịn và bền đẹp hơn. Khi thực hiện công việc đánh bóng, người thợ thường sẽ sử dụng các loại thiết bị như máy đánh bóng, máy mài sàn,… để loại bỏ các điểm gồ ghề và tăng độ sáng bóng cho mặt sàn.

Đánh bóng sàn bê tông là phương pháp xử lý bề mặt để tăng độ bóng đẹp của sàn nhà
2. Quy trình đánh bóng sàn bê tông đúng chuẩn
Các máy móc, hóa chất cần chuẩn bị
Trước khi thực hiện quy trình đánh bóng, cần chuẩn bị đầy đủ các thiết bị, hóa chất sau:
- Máy mài sàn bê tông (bạn có thể lựa chọn một trong các dòng máy sau: KARVA KVG-17F, Karva KVG100A, Camry BF 527, Super Clean SC 1500,…)
- Đĩa mài sàn bê tông (HF, MF, SF) với các đầu số #16, 30# , 50#, 60#, 100#, 200#, 400#, 800#, 1500#, 3000#
- Hóa chất tăng cứng bề mặt Hardener (một số loại hóa chất tăng cứng phổ biến trên thị trường: Nippon, C2 Concrete, Deco Sil (Deco Crete), Us Crete, Radiant, Hardener K35, Beton Shield Plus, Contop S, Vandex Eco Seal Top 111, Lanko 241 Lanko Floor Liquid,…)
- Đĩa bóc sơn PCD (nếu sàn bê tông đã được sơn Epoxy)
- Hóa chất đánh bóng (các loại chất đánh bóng phổ biến: RADIANT, DIAMOND, BETON SHIELD PLUS, DECO CRETE,…)
- Máy hút bụi
- Đồ bảo hộ cá nhân (khẩu trang, găng tay,…)

Để đánh bóng sàn, bạn cần chuẩn bị máy mài chuyên dụng
Các bước thực hiện
Quy trình đánh bóng sàn bê tông đúng chuẩn bao gồm 7 bước như sau:
Bước 1: Xác định tình trạng thực tế của sàn nhà và thực hiện mài sơ bộ
Ở bước này, chúng ta cần đánh giá tình trạng, độ cứng của sàn bê tông. Từ đó, chọn được đĩa mài và cách đánh bóng phù hợp, hiệu quả nhất.
- Nếu sàn còn mới, nên sử dụng đĩa mài số #30.
- Nếu sàn đã cũ, nên dùng đĩa mài số #16 để loại bỏ các vết lồi lõm và sơn Epoxy trên bề mặt. Sau đó, làm phẳng lại nền bằng đĩa mài số #30.
Bước 2: Xóa các vết trầy xước trên sàn
Sau khi mài sơ bộ, sàn bê tông sẽ xuất hiện trầy xước. Để xóa mờ các dấu vết này, chúng ta cần dùng đĩa mài số #50 và số #80.
Khi thực hiện xong, tuy các vết xước vẫn chưa được xóa bỏ hoàn toàn nhưng đã mờ đi đáng kể.
Bước 3: Mài mịn sàn bê tông
Tiếp tục dùng các đĩa mài với đầu số #100, #150, #200 và #250 để loại bỏ hoàn toàn các vết xước và làm mịn bề mặt sàn.
Lưu ý khi thực hiện:
- Đối với đĩa #250, bạn có thể mài 2 – 3 lần để xóa vết xước triệt để và hiệu quả hơn.
- Với các khu vực góc cạnh, chân tường, chân cột,… nên dùng máy mài cầm tay để đánh bóng tốt hơn.
- Quá trình mài mịn sẽ tạo ra rất nhiều bụi bẩn. Do đó, bạn nên dùng thêm sáp hoặc nước để ngăn bụi bay trong không khí.
Bước 4: Vệ sinh sàn nhà
Vệ sinh, hút bụi toàn bộ nền bê tông trước khi phun phủ hóa chất. Nếu được, tốt nhất bạn nên dùng máy hút bụi nước chuyên dụng để làm sạch bề mặt nền nhanh chóng, hiệu quả.
Bước 5: Phun phủ hóa chất tăng độ cứng
Bạn có thể phủ hóa chất tăng độ cứng bằng cách phun hoặc quét (dùng cọ, chổi lau sàn) đều được.
Khi phủ hóa chất, cần lưu ý:
- Các loại hóa chất khác nhau sẽ có mức định lượng sử dụng riêng. Do đó, cần đọc kỹ hướng dẫn trước khi phun phủ.
- Bạn cần chờ 12 – 24 tiếng để hóa chất thẩm thấu vào sàn bê tông, sau đó mới có thể thực hiện bước tiếp theo.
Bước 6: Đánh bóng sàn
Để đánh bóng sàn bê tông, bạn cần sử dụng các lưỡi mài #400, #500, #800, #1000. #1500, #2000, cho đến khi bề mặt nền đạt được độ bóng móng muốn.
Ngoài ra, bạn nên thực hiện mài khô và sử dụng thêm hóa chất đánh bóng chuyên dụng để tăng hiệu quả.
Bước 7: Tổng vệ sinh sàn bê tông
Kiểm tra và tiến hành lau chùi, hút bụi bề mặt sàn lần cuối trước khi nghiệm thu.
3. Có nên tự đánh bóng bê tông tại nhà không?
Đánh bóng sàn bê tông đòi hỏi một quy trình chuyên nghiệp với sự hỗ trợ của nhiều thiết bị và hóa chất chuyên dụng như: máy chà sàn, máy mài, hóa chất đánh bóng sàn, hóa chất tạo cứng bề mặt… Do đó, bạn sẽ rất khó để tự đánh bóng sàn tại nhà nếu không có đủ máy móc, dụng cụ cần thiết.
Cách tiết kiệm và hiệu quả nhất để giữ sàn bê tông luôn sáng bóng là sử dụng dịch vụ đánh bóng sàn chuyên nghiệp. Mức giá dịch vụ thông thường sẽ giao động trong khoảng từ 50.000 – 150.000 VNĐ/m2 (tùy chất liệu bề mặt và tình trạng thực tế của sàn nhà). Nếu có thêm các yêu cầu khác như phủ hóa chất chống bụi, phủ màu, sơn epoxy,… thì giá có thể thay đổi.
Tham khảo:
4. Cách chăm sóc sàn sau khi đánh bóng
Để giữ cho bề mặt nền duy trì vẻ sáng bóng dài lâu, sau khi đánh bóng sàn bê tông, bạn cần thực hiện các việc sau:
- Lau chùi sàn bê tông hằng ngày bằng chổi lông mịn hoặc cây lau bụi để loại bỏ các hạt cát và bụi bẩn trên bề mặt nền.
- Khi vệ sinh sàn với hóa chất, nên sử dụng xà phòng có độ pH trung tính. Tuyệt đối không dùng các chất tẩy trắng, giấm,… để vệ sinh vì có thể khiến sàn bị xỉn màu, giảm độ bền.
- Không nên sử dụng sáp trên nền bê tông vì có thể khiến sàn mất đi độ bóng và biến màu.
- Nếu phát hiện các vết bẩn, cần vệ sinh ngay, tránh để lâu vì như vậy sẽ rất khó làm sạch.

Bạn cần lau chùi sàn thường xuyên với hóa chất pH trung tính để giữ cho bề mặt sàn luôn bền đẹp
Trên đây là các thông tin về quy trình đánh bóng sàn bê tông và cách chăm sóc sàn sau khi đánh bóng. Hy vọng bài viết đã giúp bạn có thêm kiến thức trong việc vệ sinh, làm sạch sàn nhà.