Cách nấu cơm gạo lứt sao cho ngon, dẻo vừa cũng như không bị khô sẽ được giới thiệu tới các bà nội trợ cụ thể, chi tiết trong bài viết dưới đây của anngon3mien. Để thực hiện, các bạn hãy cùng chuẩn bị các nguyên liệu và tiến hành theo các bước sau.
Chuẩn bị nấu cơm gạo lứt
- Gạo lứt: 150 gram
- Muối ăn: 1/5 thìa cafe
- Mơ muối: 1 quả
- Dụng cụ: nồi cơm điện, nồi áp suất
Cách nấu cơm gạo lứt
Bước 1: Ngâm gạo lứt
Đầu tiên, bạn đem gạo lứt đi vo sạch. Nhặt bỏ đầu trấu, sạn còn sót trong gạo. Lưu ý là không nên vo kỹ quá để tránh làm mất lớp cám cũng như các loại vitamin, khoáng chất có trong gạo.
Sau khi vo gạo xong, bạn đem ngâm gạo từ 6 – 8 tiếng để hạt gạo được nở mềm, dẻo hơn khi nấu thành cơm. Nếu muốn tiết kiệm thời gian, bạn có thể chọn cách ngâm gạo qua đêm.
Bước 2: Nấu cơm gạo lứt
Nấu cơm gạo lứt bằng nồi cơm điện
Cho gạo lứt đã ngâm vào nồi. Rửa sạch trái mơ muối và cho vào cùng với gạo. Tiếp đến, bạn trộn vào gạo 1/5 thìa cafe muối đã chuẩn bị trước đó. Cuối cùng, bạn đổ nước vào nấu với tỉ lệ 1 gạo : 1,5 nước.
Căm điện nồi cơm và bật về chế độ nấu. Khi nồi cơm bắt đầu sôi, bạn rút nguồn điện (không để nồi nấu cơm) và cho gạo ngâm trong nước khoảng 30 phút – 45 phút. Hết thời gian chờ, bạn cắm điện trở lại và để cơm ở chế độ nấu bình thường.
Khi nồi cơm cạn nước và chuyển qua chế độ giữ ấm, bạn đảm bảo thời gian giữ ấm cơm gạo lứt tối thiểu 30 phút. Sau thời gian này, cơm gạo lứt đã chín tới, vừa ngon và bạn có thể xới ra thưởng thức.
Nấu cơm gạo lứt bằng nồi áp suất
Cách 1: Nấu trực tiếp với nước
Đầu tiên, bạn cũng cho gạo + nước (theo tỉ lệ 1 gạo : 1,5 nước) + muối ăn chung vào nồi. Đảo đều rồi san đều nước với gạo. Đặt nồi áp suất lên bếp và đun cho đến khi nồi nước sôi, xì hơi thì bạn tắt bếp.
Để cho nồi cơm nghỉ khoảng 15 phút. Sau thời gian trên, bạn bật lại bếp và đun cơm nhỏ lửa thêm khoảng 15 phút nữa. Lúc này cơm đã chín và bạn cần để ủ thêm khoảng 10 phút nữa là có thể thưởng thức.
Cách 2: Nấu cách thuỷ
Cho gạo vào tô sứ (có nắp) hoặc nồi đất cùng với nước và gạo (1 gạo : 1,2 nước). Đặt tô gạo này vào trong nồi áp suất sau đó đổ nước vào nồi sao cho nước trong nồi áp suất chỉ cao bằng ½ hoặc 2/3 tô sứ.
Đặt nồi áp suất lên bếp và bắt đầu nấu cơm. Kể từ lúc nước trong nồi sôi cho đến khi được 10 phút, bạn tắt bếp và để nồi nguyên trên bếp. Chờ cơm được ủ thêm khoảng 20 phút rồi lại nấu thêm chừng 10 phút nữa. Hết thời gian nấu, bạn ủ cơm 30 phút.
Những tác dụng của cơm gạo lứt
Ngoài việc cung cấp một hàm lượng vitamin, khoáng cao thì gạo lứt còn có nhiều tác dụng đối với sức khoẻ của người sử dụng. Dưới đây là một vài lợi ích phổ biến của gạo lứt.
Gạo lứt giàu selen, mangan và dầu tự nhiên:
Theo các nghiên cứu, gạo lứt rất giàu selen. Đây là vi chất có khả năng tuyệt vời trong việc giảm nguy cơ phát triển các bệnh như ung thư, bệnh tim, viêm khớp… Ngoài ra, 1 chén gạo lứt cũng có thể cung cấp tới 80% hàm lượng mangan cơ thể cần mỗi ngày.
Gạo lứt giải phóng đường chậm, giàu chất chống oxy hoá:
Gạo lứt là một trong số rất ít ngũ cốc giàu chất chống oxy hoá bậc nhất. Thêm vào đó khi sử dụng gạo lứt, nó còn giúp cơ thể ổn định lượng đường trong máu. Bởi vậy, đây là lựa chọn tuyệt vời cho những ai thừa cân hoặc đái tháo đường.
Cách nấu cơm gạo lứt về bản chất không quá khó, tuy nhiên cần bạn phải tuân thủ những nguyên tắc nhất định để có được nồi cơm ngon. Hy vọng với những chia sẻ trên đây, bạn đã có thể tự tin hơn khi thực hiện món ăn này.