Ăn ốc luộc mà thiếu nước chấm thì quả là một thiếu sót lớn, khiến món ăn trở nên kém hấp dẫn rất nhiều lần. Làm nước chấm ốc luộc khá đơn giản, tuy nhiên đòi hỏi phải có sự chính xác trong khâu chọn lựa và định lượng nguyên liệu mới giúp người ăn có thể “thăng hoa” khi thưởng thức.
Trong mâm cơm của nhiều nước châu Á nói chung và người Việt nói riêng, nước chấm là một phần không thể thiếu. Đặc biệt ở nước ta, nước mắm được xem là đặc sản, đặc trưng bởi hương vị thơm ngon khó tìm được ở một loại nước mắm nào khác. Vẫn là cá biển ướp muối để lâu ngày rồi chắt từng giọt mắm, song cứ kết hợp với các nguyên liệu khác nhau, chúng ta lại có một loại nước chấm khác nhau. Ở bài viết này, Anngon3mien.com sẽ hướng dẫn bạn công thức vàng pha nước chấm ăn cùng ốc luộc ngon tuyệt đỉnh. Cùng theo dõi nhé!
Nguyên liệu
- Nước mắm Nam Ngư: 100 gram
- Giấm trắng Trung Thành: 200 gram
- Nước lọc: 250 gram
- Đường cát trắng: 100 gram
- Tương ớt: 100 gram
- Sả: 50 gram
- Gừng: 25 gram
- Lá chanh: 25 gram
- Ớt: 2 quả ớt sừng + 5 quả ớt chỉ thiên
Với định lượng này, bạn sẽ có được một bát nước chấm có vị chua cay mặn ngọt vừa phải và ớt, gừng, sả, cũng nổi lên trên mặt nước chấm trông rất đẹp mắt. Tuy nhiên, khi bạn thực hiện thì không nên cố định theo công thức trên mà hãy linh hoạt nêm nếm cho phù hợp với khẩu vị của gia đình mình. Điều quan trọng là nếu bạn thực hiện theo đúng thứ tự các bước dưới đây, thì pha được một bát nước chấm ngon miệng, bắt mắt sẽ trở nên rất đơn giản.
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Sả, ớt, gừng, lá chanh sau khi mua về, bạn đem rửa sạch rồi để ráo nước. Sau đó, bạn đem sả cắt bỏ gốc, bóc sạch lớp vỏ già bên ngoài để khi ăn không bị đắng và cứng rồi thái thành khoanh thật mỏng. Ớt thì bạn xẻ dọc, bỏ hạt, để tránh gây hại cho sức khỏe (khó tiêu, táo bón, tổn thương niêm mạc và bỏng rát dạ dày) rồi thái lát mỏng. Lá chanh thì bạn thái sợi chỉ, càng nhỏ càng tốt
Gừng bạn để nguyên vỏ (vỏ gừng rất tốt, không nên gọt bỏ) rồi mang thái sợi và băm nhuyễn. Hoặc nếu không, bạn cho vào dụng cụ ép tỏi hoặc cối để ép hoặc giã nhuyễn. Với việc này, chúng ta sẽ có cả phần nước cốt gừng, giúp nước chấm đậm đà hơn. Đặc biệt, mọi người tuyệt đối không được cho gừng hay sả, ớt, lá chanh vào máy xay sinh tố để xay nhỏ vì điều này sẽ khiến cho nước chấm bị đắng.
Bước 2: Thắng đường
Nếu như tham khảo trên các trang mạng xã hội, bạn sẽ thấy đa số các công thức sẽ không có bước thắng đường mà thay vào đó sẽ cho đường trực tiếp vào nước mắm rồi khuấy tan và cho các nguyên liệu đã sơ chế trên vào rồi kết thúc.
Pha nước chấm ốc như vậy có ưu điểm là không những nhanh chóng, đơn giản mà còn có hương vị khá ngon. Tuy nhiên, nhược điểm là nước chấm pha chế theo kiểu đó sẽ không có độ sánh, khi chấm ốc sẽ khó bám nên món ăn thấy khá nhạt.
Do vậy, trong quá trình pha chế nước chấm ốc thì bạn nên thực hiện thêm thao tác thắng đường để bát nước chấm thêm sánh đậm, khi dùng với ốc sẽ trở nên ngon miệng hơn.
Bạn chuẩn bị một chảo nhỏ, bắc lên bếp, bật lửa để làm khô lượng nước trong chảo, khi cho đường vào thắng sẽ nhanh hơn. Sau đó, bạn cho 100 gram đường vào đun tan chảy, hạ lửa nhỏ và khuấy đều liên tục để tránh tình trạng đường bị cháy xém.
Khi đường tan chảy hết và bắt đầu chuyển sang màu vàng nhạt, bạn tiến hành đổ 250 gram nước lọc cùng 200 gram nước giấm (để tạo độ chua) vào rồi đun nóng.
Ở thao tác này, bạn cần nhớ là không được đun nước đường đến khi chuyển sang màu vàng cánh gián như khi chúng ta đun nước đường để làm bánh, kho cá hoặc thịt… Bởi lẽ như vậy sẽ khiến cho nước chấm rất ngọt, át hết cả vị đậm đà của nước mắm và độ thơm ngon của các nguyên liệu khác.
Khi hỗn hợp bắt đầu sôi, bạn cho 100 gram nước mắm, 25 gram gừng, 50 gram sả, 100 gram tương ớt (tạo độ sánh và độ cay) vào chung một bát lớn. Sau đó khuấy đều cho các nguyên liệu được hòa trộn vào nước mắm rồi tiếp tục đun sôi thêm khoảng 1 – 2 phút nữa thì tắt bếp.
Ngoài việc thắng đường như cách trên, nhiều bạn thường cho đường vào chung với nước, rồi đun lửa nhỏ cho đến khi nước gần cạn, đường cô đặc lại thì thôi. Thao tác này cũng có thể tạo độ sánh cho nước chấm nhưng mất khá nhiều thời gian so với cách được hướng dẫn. Do vậy, tốt nhất là bạn nên thực hiện theo cách thắng nước đường như trên nhé.
Bước 3: Pha nước chấm ốc
Bạn cho nước chấm ốc ra một bát lớn, đợi nguội thật nguội rồi cho lá chanh thái nhỏ vào. Bạn nên nhớ không nên cho lá chanh vào khi nước chấm còn nóng hoặc trong bước thắng đường vì như vậy, nó sẽ tiết ra nước cốt rất đắng đồng thời sẽ không giữ được màu xanh bắt mắt, ảnh hưởng đến cả hương vị và màu sắc của bát nước chấm.
Sau khi pha xong nước chấm theo tỷ lệ trên thì nước chấm sẽ có vị hơi ngọt một chút. Lúc này, bạn có thể vắt thêm ít nước cốt quất hoặc chanh tươi đến khi nước chấm có vị chua vừa ăn là được. Ở bước này, bạn nên ưu tiên sử dụng nước cốt quất hơn là nước cốt chanh bởi vì nước cốt quất không những tạo được vị chua mà còn có hương thơm rất đượm.
Yêu cầu thành phẩm:
Nước chấm ốc ngon là khi đạt được những yêu cầu sau:
- Nước chấm có đủ vị chua cay mặn ngọt, rất vừa miệng, khi dùng giúp món ốc luộc trở nên thơm ngon hơn rất nhiều.
- Phần ớt và tỏi nổi lên lên trên bề mặt nước chấm, lá chanh giữ màu xanh bắt mắt trông rất hấp dẫn.
- Nước chấm có đủ độ sệt, không quá lỏng cũng không quá đặc.
Pha chế nước chấm ốc có rất nhiều cách. Tuy nhiên, cách vừa được anngon3mien.com giới thiệu trên đây là cách phổ biến mà các quán ốc thường hay pha chế. Thực hiện theo 3 bước làm như trên, đảm bảo bạn sẽ có được một bát ốc chuẩn ngon nhất.
Chúc bạn thành công thực hiện cách pha nước chấm ốc ngon tuyệt này nhé!